Bài thuyết trình dự thi vòng chung kết cuộc thi “THỰC HIỆN ƯỚC MƠ” (*)

Mỗi người sinh ra có một hoàn cảnh khác nhau nhưng hoàn cảnh không quyết định tất cả. Có thể bạn chỉ là 1 nguời phục vụ bàn bình thuờng hoặc có thể là một giám đốc nắm đầy quyền lực trong tay.. nhưng với mỗi ngành nghề nhất định, nó đều có vai trò rất quan trọng và cần thiết trong xã hội. Theo suy nghĩ của em thì không có ngành nghề nào thấp kém cả, nếu như ta sống với sự nhiệt thành và đam mê trong công việc thì điều đó là vô giá. Ước mơ của em là trở thành một người bác sĩ tốt nên ngày hôm nay em xin được nói lên suy nghĩ  của mình về giá trị nghề nghiệp của một người bác sĩ.

Chúng ta biết rằng bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần phải có vốn kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp nhưng ở một người khoác áo blouse trắng thì điều đó đòi hỏi cao hơn cả. Bởi lẽ, thiên chức của một người bác sĩ là trị bệnh cứu người. Họ nắm trong tay sinh mệnh của người khác đồng nghĩa với việc họ không cho phép bản thân mình có bất cứ một sơ suất nào. Nhìn một cách đơn giản thì làm bác sĩ chỉ cần khám bệnh rồi kê đơn thuốc, nhưng có ai biết được rằng người bác sĩ phải suốt ngày tất bật với những bệnh án và thuốc men, họ tận tụy làm việc, tìm ra phưong pháp điều trị tốt nhất để đổi lấy nụ cuời của người bệnh và hơn cả là niềm hạnh phúc cho chính họ. Vì vậy, “hạnh phúc của người bác sĩ chính là nhìn thấy nụ cười của người bệnh khi sức khỏe hồi phục”.

Đối với một người bác sĩ, không những phải tu dưỡng y đức, rèn luyện nâng cao kĩ năng tay nghề mà còn phải có tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị tâm lí tốt để sẵn sàng khám – chữa bệnh bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Ví dụ như ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khi các bệnh viện, trạm xá rất ít và không đầy đủ tiện nghi thì dù không có các điều kiện tốt nhất như ở các bệnh viện trên thành phố thì người bác sĩ vẫn phải làm hết sức mình và nhanh chóng thích nghi với môi truờng nơi đó để có thể cứu sống bệnh nhân. Chính vì vậy mà người bác sĩ luôn đuợc mọi người tin yêu và kính trọng.

Đối với bản thân em, nếu có thể trở thành bác sĩ, đó không những là niềm tự hào của ba mẹ mà còn là niềm tin và hy vọng mà thầy cô trường Duy Tân đặt ở nơi em. Em có thể đi đến các nuớc khác trên thế giới để học tập, để tham gia vào các tổ chức y tế nhưng điều đầu tiên em nghĩ đến vẫn là quê hương và những người đã cưu mang em. Mặc dù, em chưa có dịp để đi lên Gia Lai, Kon Tum hay Cao Bằng, Lạng Sơn …. Nhưng qua những lần nói chuyện, tâm sự cùng với các bạn học sinh trong quỹ học bổng Trường Duy Tân - Vừ A Dính em có thể thấu hiểu được những khó khăn nơi các bạn đang sinh sống. Những trạm xá ở rất xa nhà người dân, mỗi lần có người bị bệnh, họ phải lội suối, phải đi qua những con đường đất đỏ gập ghềnh trắc trở, có khi chưa đến được bệnh viện thì đã trút hơi thở cuối cùng. Điều đó luôn làm em lo lắng và thấy thuơng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số hơn. Là người bác sĩ, cái tài phải đi liền với cái tâm, “luơng y như từ mẫu” chắc chắn rằng khi chứng kiến nỗi  đau đớn vật vã của ngừoi bệnh, chống chọi với bệnh tật thì trái tim người bác sĩ sẽ thổn thức không nguôi. Họ sẽ phải trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để bệnh nhân sống khoẻ mạnh.

Có lần em được nghe câu chuyện: có một người bác sĩ đã phải gác lại hết mọi công việc đang làm dở dang để đến ngay với 1 bệnh nhân vừa mới đựoc chuyển vào viện. Nhưng khi vừa đến bệnh viện, người cha của  bệnh nhân đã quát tháo lên rằng: “Sao ông không trực ở bệnh viện 24/24. Ông có biết con trai tôi đang như thế nào không?”. Người bác sĩ chỉ điềm tĩnh trả lời: “Thật xin lỗi, tôi không thể trực ở bệnh viện cả ngày nhưng tôi đã cố hết sức đến ngay để chữa trị cho con trai ông. Ông phải thật bình tĩnh và tin tuởng ở tôi nhé!”. Thế là vị bác sĩ vội vàng vào ngay phòng cấp cứu. ca cấp cứu diễn ra thành công. Vị bác sĩ buớc ra và nói với người cha của bệnh nhân rằng: “con trai ông đã qua cơn nguy hiểm”. Người cha của bệnh nhân khuôn mặt vẫn còn căng thẳng bật khóc và ôm chầm lấy tay vị Bác sĩ “Cám ơn Chúa, Cám ơn Bác sĩ, con tôi đã được cứu sống, gia đình tôi đội ơn Bác sĩ” Khuôn mặt vị Bác sĩ giãn ra với nụ cười, đấy là niềm vui của người bác sĩ khi ca mổ thành công, khi bàn tay của ông đã cứu được một mạng người. Rồi sau đó ông phải tất tả đi ngay với những người bệnh nhân khác.

Câu chuyện trên thật đáng để suy ngẫm. Em nghĩ rằng ở người bác sĩ lúc nào cũng phải giữ cho mình một trái tim nhiệt huyết và yêu thuơng. Đôi khi họ phải hi sinh hạnh phúc cá nhân của mình và lúc nào cũng phải mạnh mẽ để trấn an tinh thần ngừoi nhà bệnh nhân. Họ biết rằng đôi tay của họ là để giúp mọi người. Họ biết họ sinh ra để làm gì và sứ mệnh của họ là trị bệnh cứu người.

Mỗi người trong chúng ta có những quan điểm khác nhau, nhưng đó là tất cả những suy nghĩ của em về giá trị nghề nghiệp của người bác sĩ. Em nghĩ rằng: “Đạo đức nghề nghiệp chỉ có ở những con người xác định đúng mục đích nghề nghiệp của mình”. Điều quan trọng không phải ta làm nghề gì mà là ta có đầy nhiệt huyết, đam mê và có sống cho nghề nghiệp mà mình đã chọn hay không? Mỗi người trong chúng ta đều có những nét riêng biệt mà ở người khác không có, chính vì vậy mà ta cần phải phát huy và lựa chọn cho mình con đường đi đúng đắn để khi có ai hỏi về giá trị nghề nghiệp của mình hãy tự hào mà nói rằng: “Tôi yêu nghề nghiệp của tôi, tôi  đã sống  cho niềm đam mê của mình và điều đó là vô giá”. Em nghĩ rằng người bác sĩ “phải luôn giữ cho mình một trái tim nhân hậu trong lồng ngực” và luôn tâm niệm rằng: “hạnh phúc của người bác sĩ chính là nhìn thấy nụ cười của người bệnh khi sức khoẻ hồi phục.”

Trong bài thuyết trình này, em xin bày tỏ lòng tri ân của em đến với các thầy cô giáo Trường THCS, THPT tư thục Duy Tân đã dìu dắt em, dạy dỗ em lúc em học tập, chăm sóc em lúc em ngủ, lúc em đau ốm, cho em nhận thức được niềm tin yêu trong cuộc sống và hướng cho em một tương lai với những ước mơ hướng thiện, đầy tình thương và trách nhiệm.

* Bài thuyết trình dự thi vòng chung kết cuộc thi “THỰC HIỆN ƯỚC MƠ” về "Giá trị nghề nghiệp" của thí sinh Cẩm Vân học sinh trường THCS, THPT Duy Tân.

Lượt xem: 516