Các tổ chức UNESCO, WHO và UNICEF đã thống nhất 10 kỹ năng sống cơ bản, được xem như cần thiết nhất cho tất cả mọi người
Khái niệm kỹ năng sống (KNS):
Hiện nay chưa có một khái niệm nào thống nhất trên toàn thế giới về KNS. KNS được tiếp cận theo nhiều quan điểm khác nhau, và điều này cũng ảnh hưởng đến cách phân loại các KNS.
-Quan niệm rộng nhất là quan niệm do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đưa ra, dựa trên cơ sở là 4 mục tiêu cơ bản của việc học: Học để biết – Học để làm – Học để là chính mình – Học để cùng chung sống. Dựa vào đó, UNESCO định nghĩa “KNS là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày”.
Theo quan niệm này, KNS được phân loại thành:
+ Các kỹ năng cơ bản: kỹ năng đọc, viết, tính toán cho các chức năng hàng ngày. Những kỹ năng này không mang đặc trưng tâm lý nhưng là nền tảng cho những năng lực thực hiện các chức năng của cuộc sống.
+ Các kỹ năng chung (kỹ năng nhận thức, kỹ năng cảm xúc, kỹ năng xã hội) như các kỹ năng ra quyết định, kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp…
+ Các kỹ năng trong tình huống, ngữ cảnh, vấn đề cụ thể của đời sống xã hội, như:
·Các vấn đề về giới, giới tính.
·Các vấn đề về phòng chống HIV/AIDS, chống ma túy, rượu, thuốc lá…
·Các vấn đề về môi trường, phòng chống bạo lực…
·Các vấn đề về gia đình, trường học…
·Các vấn đề về sức khỏe và dinh dưỡng.
Mỗi cá nhân cần phải có cả 3 thành tố này trong sự thống nhất, tính chỉnh thế của chúng.
-Quan niệm hẹp hơn là quan niệm do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, dựa trên lý thuyết học tập xã hội của Bandura (1977), tức là nhấn mạnh sự học tập qua quá trình trải nghiệm của con người, qua sự tích lũy kinh nghiệm sống, cấu trúc kinh nghiệm và chủ động nắm lấy kinh nghiệm. Theo đó, WHO định nghĩa “KNS là những năng lực giao tiếp đáp ứng và những hành vi tích cực của cá nhân có thể giải quyết có hiệu quả những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày”.
Theo quan niệm này, các KNS được phân loại thành 3 nhóm:
+ Nhóm các kỹ năng nhận thức: kỹ năng tự nhận thức, đặt mục tiêu, xác định giá trị, tư duy sáng tạo, tư duy phê phán, ra quyết định, giải quyết vấn đề…
+ Nhóm các kỹ năng xã hội: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cảm thông, kỹ năng hợp tác…
+ Nhóm các kỹ năng cảm xúc: kỹ năng ứng phó với cảm xúc, kỹ năng ứng phó với căng thẳng, tự giám sát và điều chỉnh cảm xúc…
- Theo Quỹ cứu trợ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF),“KNS là những kỹ năng tâm lý xã hội có liên quan đến tri thức, những giá trị và thái độ, cuối cùng thể hiện ra bằng những hành vi làm cho các cá nhân có thể thích nghi và giải quyết có hiệu quả các yêu cầu và thách thức của cuộc sống”. Với quan niệm này, KNS được phân loại thành 3 nhóm: kỹ năng xã hội, kỹ năng phát triển nhận thức và kỹ năng đối phó với cảm xúc và làm chủ bản thân, cụ thể như sau :
* Nhóm kỹ năng xã hội:
-KN giao tiếp
+ Truyền thông bằng lời và không bằng lời
+ Lắng nghe tích cực
+ Biểu lộ cảm xúc, phản hồi
+ Kỹ năng quan hệ, tương tác liên nhân cách
-KN đàm phán, thương lượng, từ chối
+ Thương lượng và xử lý mâu thuẫn
+ Kỹ năng tự khẳng định
+ Kỹ năng từ chối
-KN quan hệ xã hội
-KN làm việc nhóm/hợp tác
-KN thấu cảm
- Kỹ năng động viên (advoccacy skills)
+ Kỹ năng ảnh hưởng và thuyết phục
+ Kỹ năng tạo mạng lưới và động viên
* Nhóm kỹ năng phát triển nhận thức:
-KN ra quyết định và giải quyết vấn đề:
+ Kỹ năng thu thập thông tin
+ Đánh giá hệ quả tương lai của những hành động hiện tại đối với bản thân và người khác
+ Xác định các giải pháp khác nhau cho vấn đề
+ Kỹ năng phân tích ảnh hưởng của các giá trị, thái độ, động cơ của bản thân và người khác.
-KN suy nghĩ có phán đoán
-KN tư duy sáng tạo
* Nhóm kỹ năng đối phó với cảm xúc và làm chủ bản thân:
-KN quản lý căng thẳng
+ Quản lý thời gian
+ Tư duy tích cực
+ Kỹ thuật thư giãn
-KN quản lý cảm xúc
+ Làm chủ sự tức giận
+ Xử lý những đau buồn và lo âu.
+ Đối phó với những sự mất mát, lạm dụng, chấn thương
-KN tự điều chỉnh (tự ý thức, tự chủ)
+ Ý thức về giá trị bản thân/ Kỹ năng xây dựng sự tự tin
+ Ý thức về bản thân, bao gồm ý thức về quyền, ảnh hưởng, giá trị, thái độ, mặt mạnh, mặt yếu của bản thân.
Ngoài ra còn có nhiều cách phân loại khác của nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu khác trên thế giới, chẳng hạn như tổ chức ESCAP (Hội đồng kinh tế xã hội châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc) lại phân loại KNS thành 3 dạng:
-Kỹ năng sống để phát triển cá nhân
-Kỹ năng sống để tạo mối quan hệ với người khác
-Kỹ năng công nghệ thông tin (theo đề nghị của các đại diện trẻ tại một hội nghị).
Tuy có sự khác biệt về quan niệm về KNS nhưng các tổ chức UNESCO, WHO và UNICEF đã thống nhất 10 kỹ năng sống cơ bản, được xem như cần thiết nhất cho tất cả mọi người.
1.Kỹ năng ra quyết định
2.Kỹ năng giải quyết vấn đề
3.Kỹ năng tư duy sáng tạo
4.Kỹ năng tư duy phê phán / suy nghĩ có phán đoán
5.Kỹ năng truyền thông có hiệu quả
6.Kỹ năng giao tiếp giữa người và người
7.Kỹ năng tự nhận thức bản thân
8.Khả năng thấu cảm
9.Kỹ năng ứng phó với cảm xúc
10.Kỹ năng ứng phó với stress
Theo kỷ năng sống www.doanhtri.net