GÓP Ý VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

1.     Nhiều ý kiến ủng hộ việc Bộ GD-ĐT đã phê duyệt Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công” ở các cấp học từ mầm non đến giáo dục Đại học trên phạm vi toàn quốc, không bao gồm các trường dạy nghề.Mục tiêu của Đề án nhằm đánh giá một cách khoa học và khách quan chất lượng dịch vụ của các cơ sở giáo dục công, là các yếu tố chính đo mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ giáo dục công gồm: tiếp cận dịch vụ; cơ sở vật chất, trang thiết bị; môi trường giáo dục; hoạt động giáo dục; kết quả giáo dục.Chúng tôi cho rằng nên áp dụng các tiêu chí đánh giá này cho các trường ngoài công lập.

 

2.     Ý kiến tranh cãi về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục: Theo Tờ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, khung hệ thống giáo dục quốc dân mới về cơ bản không có thay đổi gì so với hiện nay, vẫn gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục bậc cao; giáo dục thường xuyên - học tập suốt đời. Đối với giáo dục phổ thông, về cơ bản vẫn giữ nguyên 12 năm học, trong đó bậc tiểu học 5 năm, THCS 4 năm, THPT 3 năm. Tuy nhiên trong giáo dục THPT, cơ cấu mới có sự thay đổi là được phân thành 3 luồng: Một là định hướng chung; hai là định hướng kỹ thuật/công nghệ và ba là định hướng năng khiếu.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, ở cấp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân thành 3 luồng là chưa hợp lý, có thể thay vào đó bằng việc phân hóa ban học. Lâu nay việc định hướng năng khiếu chỉ có ở thành phố lớn, ở các vùng khác sẽ khó thực hiện. Việc phân luồng theo định hướng kỹ thuật-công nghệ ở cấp THPT sẽ đặt ra vấn đề các trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho việc dạy học theo định hướng này hay không?

 

Chúng tôi kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc kỹ cấp học THPT phân luồng theo định hướng kỹ thuật-công nghệ; định hướng năng khiếu, để khi triển khai đề án có tính khả thi và các trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nhất là các trường ngoài công lập có định hướng để đầu tư.

 

3.     Ý kiến người dân về việc tích hợp môn Lịch sử: Bộ Giáo dục và Đào tạo  đưa ra Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó tích hợp môn Lịch sử với các môn Đạo đức - Công dân và An ninh Quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc. Nhiều ý kiến ủng hộ nhất là học sinh và phụ huynh học sinh. Người dân cho rằng cần bàn cách thay đổi phương thức truyền đạt sao cho sinh động, phong phú để học sinh và mọi công dân lĩnh hội kiến thức lịch sử đất nước tốt hơn, yêu thích hơn như việc đầu tư làm các bộ phim dài tập phản ánh về quá trình lịch sử, dựng nước, giữ nước của dân tộc là một ví dụ rất thiết thực. Trường THCS, THPT Duy Tân ủng hộ phương án tích hợp vì việc biết và nhớ những sự kiện trong sử học không chỉ dành riêng cho học sinh mà cho mọi công dân, học sử không chỉ ở nhà trường mà nên qua nhiều kênh truyền đạt hiệu quả khác của các cơ quan truyền thông.

 

 

4.     Đổi mới Giáo dục và đào tạo nên có một quá trình để có sự thích nghi và phù hợp dần dần. Kỳ thi chung tốt nghiệp THPT và thi tuyển đại học năm vừa qua, đã gây nên khá nhiều phiền toái cho xã hội, bởi vì toàn ngành chưa có sự chuẩn bị, chưa có thử nghiệm, chưa có những năm “bản lề” để chuyển giao. Việc thông qua rồi áp đặt ngay với giáo dục thì không nên, vì nó sẽ để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng. Sau một năm tổ chức thi chung kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, có rất nhiều ý kiến trong xã hội cho rằng bất hợp lý, nên tách ra 2 kỳ thi riêng biệt vì chương trình 3 năm THPT với kiến thức chương trình chuẩn, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm công nhận hoàn thành chương trình tốt nghiệp của học sinh ở một cấp học. Sau khi tốt nghiệp, các học sinh có thể tự lượng sức mình để chọn lựa tương lai: đi tiếp đại học, hay học nghề, học kỹ năng ở trường cao đẳng hoặc được xét tuyển vào đại học tư thục. Quy trình 2 chung là quy trình làm ngược. Tất cả học sinh phải bắt buộc thi đại học, ví dụ môn Anh văn những năm trước có 50 câu trắc nghiệm điểm tối đa 10 điểm; bây giờ thi chung 65 câu trắc nghiệm điểm tối đa 8 điểm và 2 điểm viết tự luận bao gồm 5 câu và bài viết 150 từ. Toán, Ngữ văn thời lượng thi gấp đôi, độ khó gấp đôi điểm tối đa 10 điểm. Điều vô lý là học sinh chưa tốt nghiệp đã thi đại học. Thi đại học cũng nên để các trường đại học tự chủ tổ chức thi, thời gian thi, đề thi phù hợp với ngành học của trường. Lưu ý Đại học công lập do kinh phí nhà nước đảm bảo, người học không phải đóng tiền, số lượng tuyển sinh hằng năm có hạn nên việc thi tuyển có độ khó là đúng. Còn thi tốt nghiệp một cấp học như THPT không thể so ngang và thi chung với thi tuyển đại học được. Tôi đề nghị khẩn trương áp dụng năm thi 2016 như những năm trước.

 

5.     Chúng ta cần học hỏi và tiếp thu tinh hoa văn hóa và thành tựu của nền giáo dục hiện đại của thế giới. Song, điều này không có nghĩa là bắt chước một cách máy móc những điều không cần thiết của giáo dục của một số nước. Gần đây nhất là việc đưa ra mô hình trường học mới gây nhiều tranh luận. Ví dụ việc chỉ định“lớp trưởng” (như thường gọi) được thay cho việc bầu “Chủ tịch” hội đồng tự quản của học sinh. Điều này không thật sự nghiêm túc, giống như trò chơi của học sinh.

 

6.     Đảng chủ trương “Hội nhập quốc tế”, nhưng giáo dục và đào tạo trong giai đoạn sắp tới sẽ chuẩn bị những gì về năng lực để hội nhập quốc tế.

 

7.     Thi cử là phương tiện để đánh giá kết quả việc thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục – đào tạo cũng có thể được nhận biết bằng nhiều phương tiện khác, đó là sau quá trình đào tạo, chất lượng sản phẩm giáo dục có đạt hay không. Muốn có sản phẩm tốt, phải có được người làm ra sản phẩm có tay nghề cao, vấn đề này rất quan trọng đối với kết quả cuối cùng của quá trình đào tạo.

 

Xin chân thành cám ơn.

 

ibla.org.vn

 

Lượt xem: 2638