Làm phụ huynh cũng cần phải... học

Điểm mấu chốt : khi các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo thực sự hiểu nhau, thực sự bắt tay nhau, khi nhà trường "dang rộng cánh tay" chào đón phụ huynh tham gia vào quá trình giáo dục, lúc đó, chắc chắn mọi việc sẽ trở nên đơn giản và tốt đẹp hơn rất nhiều.

Tên sách: PHỤ HUYNH ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ TRƯỜNG
Tác giả: Cathrine Kellison McLaughlin
Dịch giả: Nguyễn Thị Lan Hương
Phát hành: Nhà xuất bản Tri thức & VNN Publishing

Một thời gian dài, hệ thống giáo dục đã treo tấm bảng "miễn can thiệp" đối với phụ huynh, hoàn toàn gạt họ khỏi những mắt xích giáo dục quan trọng.

Chính tín hiệu "miễn can thiệp" xuất phát từ nhà trường đã tạo nên một thói quen ăn sâu bám rễ trong những người làm cha làm mẹ, đó là "trăm sự nhờ thầy cô" - giao phó hoàn toàn công việc chăm lo dạy dỗ, giáo dục con cái mình cho nhà trường.

Cho đến nay, khi những chuyển biến về nền tảng từ gia đình cho đến xã hội đang làm lay chuyển mạnh mẽ hệ thống giáo dục thì phụ huynh không thể đứng ngoài cuộc được nữa, bầu nhiệt huyết đến từ sự lo lắng, quan tâm và tình yêu thương dành cho con cái mình chính là một nguồn lực quý giá cần phải được khai thác triệt để.

Và để có thể nhập cuộc một cách hiệu quả thì không ai khác - chính những người làm cha, làm mẹ sẽ phải "học" một cách bài bản và kiên nhẫn.

Nhưng họ sẽ nhập cuộc như thế nào đây? Khi bản thân họ không hiểu mình có thể làm gì, khi họ không được trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết, và đặc biệt, khi họ còn cảm thấy một khoảng cách lớn từ phía nhà trường.

Dĩ nhiên, chính những giáo viên sẽ là người tìm lời giải cho bài toán này bằng nhiệt huyết cũng như sự nhạy cảm nghề nghiệp của họ. Tuy vậy, họ vẫn thực sự cần đến những nghiên cứu và hướng dẫn bài bản các bước để sự phối hợp và thu hút phụ huynh thực sự có tính chuyên nghiệp, không còn chỉ là những hoạt động lẻ tẻ, cảm tính.

Đây chính là những nội dung chủ yếu được bàn luận trong cuốn sách Phụ huynh đồng hành cùng Nhà trường: Những điều nên và không nên.

Khi phụ huynh "thực sự tham gia" sẽ tạo nên những khác biệt như thế nào?

Từ khóa của cuốn sách là phụ huynh tham gia. phải chăng chỉ cần tham dự đầy đủ các cuộc họp phụ huynh, chỉ cần giúp đỡ một sự kiện nào đó (các buổi dự thính trong giờ học, các loại hội chợ, ngày hội thể thao...vv...) ở trường học hoặc lớp học hoặc thường xuyên làm bài tập về nhà cùng con mình? Thế là đủ?

Thực ra, tất cả những điều đó chỉ là biểu hiện hình thức, bề mặt của sự tham gia, và thực tế là phụ huynh vẫn chỉ làm theo sự sắp xếp của nhà trường mà thôi!


Bố mẹ đã quen với việc phó thác việc dạy dỗ con cái cho nhà trường,chính điều này tạo ra một phần khoảng cách giữa cha mẹ và con cái Nguồn: nicholsoncartoons.com.au

Cái cốt lõi của sự tham gia nằm ở chỗ: phụ huynh là người tích cực và chủ động tạo ra những thay đổi. Các nghiên cứu đã cho thấy khi các thầy cô giáo thu hút được sự tham gia của phụ huynh, thành tích của học sinh được cải thiện trông thấy: Các em tự tin hơn, hòa nhập tốt hơn, tiếp thu bài học chủ động và vui thích với các hoạt động nhóm hơn.

Về lâu dài, những trường học duy trì tốt các chương trình tham gia của phụ huynh thường có học sinh giỏi hơn so với những trường học không thực hiện được những chương trình đó ở các mức độ khác nhau.

Với các giáo viên, đây là một điều đáng mừng cho những học sinh này và cho cả cha mẹ các em. Các thầy cô đã gửi thông điệp nồng nhiệt ủng hộ tới họ. Nhờ đó, phụ huynh hiểu rõ hơn về công việc của giáo viên, của nhà trường, và đáp trả bằng sự ủng hộ nhiệt tình của mình.

Đây là một vòng quay tích cực và mắt xích quan trọng là sự tham gia của phụ huynh. Khi không có mắt xích này, một học sinh phải vất vả hơn trong việc tìm sự gắn kết giữa phương thức học tập ở trường với cách thức học tập ở nhà.

Sự hợp tác giữa phụ huynh và thầy cô giáo sẽ tạo nên bầu không khí sôi nổi trong nhà trường, lớp học và gia đình. Điều này có thể tạo dựng lòng tin, sự lạc quan cũng như sự hào hứng trong quá trình học tập.


Nguồn: state.me.us


Một phụ huynh tham gia có thể phần nào xóa bỏ cảm giác đơn độc của giáo viên khi phải chiến đấu một mình. Sự tham gia thường xuyên của phụ huynh chính là một cách để thấu hiểu và chia sẻ những áp lực công việc cho giáo viên, và cũng là để nắm bắt được cuộc sống ở trường, việc học tập, những tâm tư, suy nghĩ của con cái mình một cách chủ động và tự nhiên hơn.

Làm sao để sự tham gia của phụ huynh lâu dài và hiệu quả?

Cuốn sách đã chỉ ra, sự tham gia hiệu quả của phụ huynh là kết quả tổng hợp của mối quan hệ: nhà trường - gia đình - xã hội. Từ đó, tác giả đã chỉ ra một cách sáng rõ vai trò, trách nhiệm từ phía giáo viên, từ phía các nhà quản lý, từ phía cán bộ nhà trường, từ phía các phụ huynh, và cả từ sự ủng hộ của cộng đồng.

Từ những góc nhìn đa chiều đó, chúng ta sẽ thấy được rằng, đây không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà bản chất là một mối quan hệ hợp tác tích cực, tạo nên một môi trường giáo dục tích cực mà trung tâm là học sinh.

Trong từng phần cụ thể, tác giả đã đưa ra các chỉ dẫn chi tiết về các bước xây dựng những mối quan hệ trên. ngoài ra, chúng ta còn được cung cấp những bảng biểu, nhưng mẫu thư từ, những ví dụ sống động về cách thiết lập các quan hệ bao quanh học sinh, trong đó tác giả đặc biệt xoáy sâu vào quan hệ Giáo viên - Phụ huynh.

Nhìn chung, khi đề xuất các phương cách để phụ huynh tham gia vào quá trình giáo dục, tác giả cuốn sách đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giáo viên và của bản thân phụ huynh. Với một cái nhìn rất tinh tế và nhạy cảm, tác giả chỉ ra những chướng ngại tâm lý mà các phụ huynh thường gặp phải trong mối quan hệ với nhà trường. Từ đó, phụ huynh vừa phải chủ động, tự lực vượt qua chướng ngại, đồng thời giáo viên cần hiểu rõ để biết cách giải tỏa các chướng ngại.

Điểm mấu chốt trong vấn đề này là: khi các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo thực sự hiểu nhau, thực sự bắt tay nhau, khi nhà trường "dang rộng cánh tay" chào đón phụ huynh tham gia vào quá trình giáo dục, lúc đó, chắc chắn mọi việc sẽ trở nên đơn giản và tốt đẹp hơn rất nhiều.

Mặc dù xuất phát từ thực trạng giáo dục của nước Mỹ với những điểm khác biệt với hệ thống giáo dục Việt Nam, tuy nhiên, những gì được phác họa trong cuốn sách sẽ là hình ảnh chung cho nền giáo dục toàn cầu trong một tương lai không xa. Ngoài ra, những khúc mắc, những vấn đề nan giải cũng như kinh nghiệm, kỹ năng của giáo viên, phụ huynh và các nhà giáo dục Mỹ hẳn sẽ đem lại nhiều điều đáng học hỏi cho chúng ta.

Và hơn hết, điều đầu tiên mà những người thực hiện cuốn sách mong mỏi, đó là khơi dậy mối quan tâm và suy nghĩ "Tôi có thể làm được" đối với việc tham gia sâu sát hơn, kỹ lưỡng hơn và tinh tế hơn vào quá trình học tập, vui chơi của con trẻ ở trường học. Đó chính là điểm khởi đầu cần thiết cho mọi thay đổi!

Hoài Phương
http://www.tuanvietnam.net/lam-phu-huynh-cung-can-phai-hoc
Lượt xem: 4453