Trường nội trú, bán trú THCS, THPT Duy Tân dạy học sinh kỹ năng sử dụng Internet tích cực

Sử dụng internet tích cực là một kỹ năng sống thiết yếu – Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Thị Sơn – Chủ tịch HĐQT, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tư thục Duy Tân.

TS. Nguyễn Thị Sơn - Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý & Kinh doanh Quốc tế, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT, Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tư thục Duy Tân (TP.HCM).

Tôi khuyến khích trẻ dùng Facebook

Gần đây nhiều phụ huynh lo ngại việc con em nghiện Facebook và các mạng xã hội. Thông tin trên mạng xã hội tác động quá nhiều đến các em. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Cá nhân tôi khuyến khích các em sử dụng Facebook. Đó là nơi các em thể hiện bản thân, nói ra suy nghĩ của mình. Vì vậy chính tôi cũng kết bạn với các em, cởi mở và tôn trọng các em để lắng nghe, nắm bắt những vấn đề trong cuộc sống mỗi học sinh.

Ngoài giờ làm việc, lên Facebook, nếu thấy các em có những phát ngôn chưa chuẩn, tôi thường trò chuyện với các em, tâm sự, tranh luận, khuyên nhủ nhẹ nhàng để các em điều chỉnh. Kể cả những học sinh đã ra trường rồi, khi thấy em nào có biểu hiện hơi thái quá tôi cũng tâm sự với các em một cách nhẹ nhàng.

Ở cương vị người làm giáo dục cũng là người tiếp xúc nhiều với học sinh, bà thấy việc các em sử dụng internet là tốt hay xấu?

Thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay đang ăn, ngủ, sống và lớn lên cùng internet. Khi việc trẻ tiếp cận với internet đã là đương nhiên, thì khó có thể nói nó hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Tôi thấy nhiều phụ huynh và cả thầy cô đôi khi có phần định kiến về internet. Có em học sinh chia sẻ với tôi, về nhà ba mẹ cứ thấy con ngồi máy tính hay cầm điện thoại là la mắng cho rằng con bị nghiện gì đó. Nhưng dù con học, con chơi game, nghe nhạc, đọc báo hay vào Facebook ba mẹ cũng không phân biệt được.

Cha mẹ đã thực sự hiểu về đời sống trực tuyến của con? (Nguồn: ZoneAlarm)

Quả thực sức mạnh của internet là quá lớn, luồng thông tin khó kiểm soát, tác động tiêu cực là rất dễ xảy ra với hệ quả khó lường. Nhưng định kiến như vậy dễ dẫn đến “càng cấm càng làm”. Mạng internet là nguồn giải trí rất đa dạng, nhưng cũng là tài nguyên vô tận cho học tập và nghiên cứu. Hơn nữa, cuộc sống toàn cầu diễn ra từng giờ trên internet, nếu bị cách ly khỏi internet, các em có thể thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết xã hội. Tôi nghĩ thái độ phù hợp nhất là thừa nhận cả tác động tích cực và tiêu cực của internet để đồng hành, định hướng cho trẻ.

Sử dụng internet tích cực là một kỹ năng sống

Vậy như thế nào là sử dụng internet tích cực, thưa bà?

Bản thân tôi đặt ra 3 mục tiêu về vấn đề học sinh và internet:

Một là thống nhất với các em một giới hạn thời gian cụ thể được sử dụng internet để không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày; Hai là định hướng để các em cân đối vừa phải giữa mục đích học tập và giải trí trong khoảng thời gian sử dụng internet; Ba là giúp các em tự chọn lọc được thông tin tốt, thông tin xấu, chuẩn bị tâm thế đúng đắn trước khi “bơi” vào bể thông tin trực tuyến.

Các em học sinh học trực tuyến tại Coursera. (Ảnh: Trường Duy Tân)

Ở nhiều nơi, nhà trường và thầy cô thường e dè, hạn chế việc các em sử dụng internet do lo ngại các em xao nhãng học tập. Quan điểm của bà ra sao?

Học sử dụng internet sao cho tích cực cũng chính là học kiến thức, học kỹ năng sống. Tại Duy Tân, nhà trường chủ trương cho các em sử dụng internet một cách có kiểm soát.

Duy Tân đang áp dụng chương trình E.Math (toán online bằng tiếng Anh) trong chương trình học của các em học sinh lớp 6, 7, 8 và lớp 9, giúp các em luyện cách tư duy theo chuẩn mực quốc tế. Ở lớp 10,11,12, các em được học trực tuyến tại Coursera, gồm các khóa học bậc Đại học về Nhân văn, Y Dược, Sinh học, Khoa học Xã hội, Toán học, Kinh tế học, Khoa học máy tính… với giảng viên từ những trường đại học hàng đầu thế giới như Havard, Oxford, Yale, Stanford...

Hiện tại, các khóa học trực tuyến này được nhà trường đưa vào thời khóa biểu chính khóa buổi chiều. Như vậy, các em vừa được học thực hành trên máy tính; vừa luyện nghe tiếng Anh tốt, ngữ pháp tốt; tự tin trao đổi trực tiếp với các các giáo sư nổi tiếng thế giới và có thể lấy chứng chỉ quốc tế.

Nói đi cũng phải nói lại, mỗi trẻ mỗi khác. Khó có kinh nghiệm nào, phương pháp nào có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Hơn hết, tôi luôn ghi nhớ trong lòng rằng các em ai cũng có cái tôi cá nhân cao. Khi đưa ra một quy định về sử dụng internet hay bất cứ vấn đề nào, tôi và các thầy cô ở Duy Tân luôn cố gắng giúp các em hiểu và tự giác thực hiện. Bởi không quy định nào tốt bằng một ý thức đúng.

Quang Huy   http://dantri.com.vn

Lượt xem: 3808