Vai trò của môn giáo dục công dân trong nhà trường - Bà Nguyễn Thị Sơn

Môn Giáo dục công dân được đưa vào chương trình dạy học từ rất lâu, được dạy và học ở đầy đủ các cấp học từ cấp tiểu học có tên gọi là môn đạo đức cho đến cấp trung học và phổ thông.

Có thể khẳng định rằng môn học này rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh, đặc biệt trước tình trạng học sinh vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay, việc nâng cao việc dạy và học đối với môn giáo dục công dân cần phải được chú trọng trong nhà trường. Mặt khác những tri thức rút ra từ môn học này là hành trang vô cùng cần thiết để trở thành một công dân tốt trong tương lai.

Môn Giáo dục công dân từ tên gọi đã nói lên vị trí quan trọng của nó trong nội dung giáo dục toàn diện của nhà trường, góp phần vào việc hoàn thành nhân cách của học sinh để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Tầm quan trọng của môn học này đối với các môn học trong trường phổ thông là ở chỗ nó góp phần cho thế giới quan lành mạnh ở lứa tuổi học trò, nó giúp học sinh biết phân biệt phải, trái. Biết yêu quý bản thân và tôn trọng người khác, biết sống trung thực, khiêm tốn, biết sống yêu thương và vị tha, biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Muốn trở thành người công dân tốt, cần được giáo dục về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Cô Nguyễn Thị Sơn Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS, THPT Duy Tân chia sẻ: “Môn Giáo dục công dân đã được đưa vào chương trình và là một trong những tổ hợp về khoa học xã hội, cho nên nhà trường cũng phải chú trọng rèn luyện cho các em khi đi thi tốt nghiệp THPT và chúng tôi cũng đã kết hợp với Viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế. Bởi vì khi tôi kiểm tra sách giáo khoa để biết các em sẽ được học cái gì thì tôi thấy rằng sách giáo khoa lớp 12 môn Giáo dục công dân bao gồm những vấn đề cơ bản của luật pháp, liên quan đến Luật nghĩa vụ quân sự, Luật giáo dục, Luật hôn nhân và gia đình, các quyền và nghĩa vụ của trẻ em, an toàn giao thông, những điều nghiêm cấm trong xã hội như  bạo lực học đường, vấn nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác…

Tất cả các vấn đề nêu trên đều là những vấn đề liên quan đến luật hình sự cơ bản trong bộ Luật hình sự, chính vì những nguyên nhân trên nên chúng tôi thấy rằng ngoài việc mời giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân thì chúng tôi cũng kết hợp với Viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế. Bản thân tôi cũng là Phó tổng thư ký của Hội luật gia Việt Nam cho nên tôi rất quan tâm vấn đề này…”

Môn Giáo dục công dân giúp học sinh có thái độ đúng đắn trong việc nhận thức và chấp hành pháp luật.

Các thầy cô trường THCS, THPT Duy Tân đã có những cải tiến đổi mới phương pháp giảng dạy, có những cách thức cụ thể làm mềm hóa môn học vốn được xem là khô khan trừu tượng. Bằng những thí dụ sinh động trong đời sống thực tế khiến học sinh hào hứng hơn với môn học. Từ đó tăng hiệu quả trong việc tiếp thu kiến thức môn học.

Vì sao môn Giáo dục công dân chưa hấp dẫn học sinh.

  • Phía người học: Có một số học sinh không nhận thức được hết tầm quan trọng của môn Giáo dân công dân và cho rằng đây là môn học phụ nên ít quan tâm đầu tư thích đáng cho việc học dẫn đến học sinh hững hờ, thiếu nghiêm túc với môn học này với suy nghĩ học là để đối phó.
  • Phía người dạy học: Người dạy học vẫn lên lớp bằng phương pháp cũ đọc, cho chép tạo cảm giác mệt mỏi thụ động với học sinh trong việc tiếp nhận kiến thức. Một số giáo viên lên lớp với tâm lí rằng môn của mình là môn phụ nên ít quan tâm đầu tư trong việc soạn giáo án, chuẩn bị bài lên lớp. Bên cạnh đó việc thiếu những dẫn chứng sinh động trong thực tế cũng như thiếu những dụng cụ trực quan làm cho tiết học có nhiều hạn chế nhằm cải thiện nâng cao kĩ thuật dạy và học môn giáo dục công dân trong nhà trường.

www.duytanschool.com

Lượt xem: 4618